“Siết” quản lý quảng cáo trên môi trường mạng

Lượt xem: 81

Với nhiều lợi thế về công nghệ, lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, trong thời gian qua, nhiều nền tảng xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook, TikTok… đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo so với các hình thức truyền thống.

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển là thực trạng tràn lan vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như tạo bức xúc với người tiêu dùng.

Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên không gian mạng
Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo trên không gian mạng

 Một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng. Việc lấp khoảng trống pháp lý này là cần thiết, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh đang diễn ra khá sôi động trên môi trường mạng hiện nay.

Nhức nhối vấn nạn quảng cáo… bất chấp

Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ.

Mặt khác, trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng được ban hành.

Thực tiễn cũng đã chứng minh những hiệu quả lớn từ mỏ vàng quảng cáo, cầu nối giúp công chúng hiểu hơn về doanh nghiệp và sản phẩm, có quyết định thông thái khi lựa chọn.

Sau 12 năm triển khai kể từ khi Luật Quảng cáo năm 2012 được ban hành, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do.

Hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hiện nay, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày càng khẳng định vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường.

Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng… để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Khá phổ biến hiện nay là việc xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

“Tiền mất, tật mang”, nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân, bỏ tiền thật mua sản phẩm kém chất lượng chỉ vì những quảng cáo “bất chấp” pháp luật và những nguyên tắc về đạo đức, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *