IPR ( Intellectual property rights ) là gì ?

Lượt xem: 22

Tài sản trí tuệ ngày càng được coi trọng không những trong phạm vi của một quốc gia, mà còn được bảo vệ trên phạm vi thế giới. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mà còn liên quan đến sự phát triển của quốc gia.

Intellectual property (Sở hữu trí tuệ) là gì? Sở hữu trí tuệ có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hiện đại? Tại sao nó quan trọng? Có các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến nào? Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu !

Sở hữu trí tuệ là gì ?

Thuật ngữ sở hữu trí tuệ được dùng để chỉ quyền sở hữu tài sản từ những thành quả sáng tạo trí tuệ, tư duy của con người tạo ra. Trí tuệ được hiểu là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, là năng lực riêng có của con người.

Những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo, là kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ được thừa nhận là tài sản trí tuệ. Sở hữu trí tuệ được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ này.

Sở hữu trí tuệ là gì ?
Sở hữu trí tuệ là gì ?

Đối tượng của sở hữu trí tuệ là các tài sản phi vật chất nhưng có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. Đó là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế, giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính, các công trình khoa học kỹ thuật ứng dụng cũng như các tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động thương mại…

Sở hữu trí tuệ được bảo vệ bởi pháp luật, cho phép người sáng tạo hoặc chủ sở hữu có quyền kiểm soát việc sử dụng các tác phẩm của họ

Các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến

Theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Dựa vào bản chất, có thể phân chia thành các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến

Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp

Theo Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có thể nhận ra ở hai nhóm: Các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… Và các đối tượng mang tính là dấu hiệu phân biệt trong thương mại, như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh…

Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập qua ghi nhận hoặc công nhận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới dạng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu theo thủ tục đăng ký hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, giải thích quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Sở hữu trí tuệ là gì ?

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng

Quyền sở hữu đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

Theo Khoản 24 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019, giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống. Đối tượng được pháp luật hướng tới bảo vệ đối với giống cây trồng chính là tính mới, tính ổn định, đồng nhất và khả năng phân biệt với các giống cây trồng khác.

Hoạt động tạo ra giống cây trồng đòi hỏi phải đầu tư lớn về kỹ thuật, lao động, nguyên vật liệu, kinh phí, mất nhiều thời gian, vì vậy cơ chế xét đơn và bảo hộ quyền ưu tiên dài hơn so với các quyền khác.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng liên quan đến việc bảo vệ các giống cây trồng mới đã được phát triển thông qua nghiên cứu và lai tạo.

Tại sao quyền sở hữu trí tuệ quan trọng trong kinh doanh và đời sống hiện đại ?

Khoa học, công nghệ và nghệ thuật sáng tạo có ý nghĩa quyết định đến cuộc sống hàng ngày. Những bước tiến lớn của khoa học, công nghệ qua các thời kỳ đã đưa loài người phát triển đi lên. Khoa học, công nghệ, nghệ thuật… là trí tuệ.

Tài sản trí tuệ tuy không quy ra được giá trị vật chất cụ thể nhưng mang lại giá trị tinh thần và những lợi ích khác cho cá nhân và tổ chức. Không là quá khi đánh giá sở hữu trí tuệ rất quan trọng trong kinh doanh và đời sống hiện đại vì ý nghĩa và vai trò góp phần vào thúc đẩy phát triển xã hội.

Khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu nền tảng đầu tiên của sự phát triển

Sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định.

Bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sáng tạo nhiều hơn bởi bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ đảm bảo quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm mà mình sáng tạo ra. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là khuyến khích sự sáng tạo, nỗ lực cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

Bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tập thể, hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Đối với các cá nhân, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã hạn chế các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, tạo ra hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác, góp phần giảm tổn thất cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.

Góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu

Sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như tài sản vô hình giữa các quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ bắt buộc, là điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với các quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức này.

Nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển, đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện không thể thiếu để thiết lập các quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại.

Tấn Sang
Tấn Sang
Bài viết: 87
Zalo